CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BÃO SỐ 7

Theo bản tin ngày 08/11/2024 của Đài Khí tượng Thuỷ văn Quảng Nam, sáng ngày 08/11/2024, bão YinXing đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166 km/h), giật cấp 17

Theo bản tin ngày 08/11/2024 của Đài Khí tượng Thuỷ văn Quảng Nam, sáng ngày 08/11/2024, bão YinXing đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166 km/h), giật cấp 17.

Hình ảnh: Bão sô 7 (YINXING)

Để chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn do bão YinXing có thể gây ra; UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của tỉnh tại các văn bản nêu trên và các nhiệm vụ về công tác phòng chống thiên tai năm 2024 tại Công văn số 1248/UBND-KT ngày 24/10/2024, Công văn số 1016/UBND-KT ngày 12/9/2024 của UBND huyện, đồng thời chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:

1. UBND các xã, thị trấn:

Thường xuyên theo dõi tình hình hình diễn biến mưa, bão để chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai đã được duyệt; chú ý công tác di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo kịp thời về UBND huyện (qua Ban Chỉ huy PCTT&TKCN) để theo dõi, chỉ đạo và báo cáo tỉnh theo quy định.

- Các địa phương chú ý các điểm/vị trí có nguy cơ sạt lở rất cao mỗi khi xảy ra mưa to, dài ngày trong mùa mưa lũ: Khu tái định cư thôn 1 xã Phước Thành, Khu tái định cư thôn 3 xã Phước Thành, Khu tái định cư thôn 3 (thôn Triêng cũ) xã Phước Kim, Khu tái định cư thôn 3 (thôn 5A cũ) xã Phước Lộc, trung tâm xã Phước Lộc... Các xã Phước Hòa, Phước Hiệp chú ý các khu vực ngập lụt dọc theo sông Trường và khu vực xảy ra xói lở bờ sông Đăk Sa thuộc địa bàn Thôn 5, xã Phước Đức; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân sinh sống, hoạt động trong khu tái định cư về sự nguy hiểm của sạt lở.

- Kiểm tra dự trữ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu tại các thôn, trường nội trú đảm bảo ít nhất trong thời gian 15 ngày, đề phòng mưa lớn sạt lở đường giao thông kéo dài. Kiểm tra điện thoại vệ tinh, sặc pin dự phòng đầy đủ nhằm phục vụ thông tin liên lạc kịp thời.

- Tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân không nên đi rừng, đi rẫy, qua các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lội qua sông suối gây nguy hiểm mất an toàn; nắm thông tin các hộ ở chòi trong rẫy, tìm cách liên hệ, hỗ trợ; nhắc nhở các hộ không nên nóng lội qua sông suối khi mưa to, nước lớn. Vận động nhân dân tập trung thu hoạch lúa rẫy đã chín theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; chằng chống nhà cửa, chủ động chặt tỉa cây xanh xung quanh nhà, trụ sở làm việc...để giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. 

- Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa mưa lũ, khuyến cáo nhân dân không thả rông đàn vật nuôi bừa bãi, dể bị thiệt hại khi xảy ra mưa lũ.

- Tuyên truyền, theo dõi, cập nhật thông tin, số liệu sơ tán dân tại địa chỉ website: http://sotandanquangnam.vn theo chỉ đạo của huyện, tỉnh.

2. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện: Sẵn sàng kế hoạch hỗ trợ địa phương trong công tác sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo an ninh trật tự theo chức năng, nhiệm vụ phụ trách.

3. Phòng KT-HT huyện, Ban quản lý dự án ĐTXD&PTQĐ huyện: 

- Triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông, nhất là khu vực dễ bị sạt lở, chia cắt, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông đi lại.

- Nắm thông tin các điểm sạt lở trên các tuyến đường ĐH, sau khi đợt mưa kết thúc có kế hoạch xử lý kịp thời các vị trí bị sạt lở, phục vụ giao thông thông tuyến. 

4. Các đơn vị doanh nghiệp

4.1. Các đơn vị khai thác khoáng sản: Triển khai phương án  ứng phó với thiên tai của đơn vị, khẩn trương khắc phục, bổ sung các nội dung, điều kiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai như chỉ đạo của UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT huyện tại các cuộc kiểm tra về công tác phòng, chống thiên tai tại đơn vị. Chú trọng triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn công nhân, người lao động, bảo vệ tài sản của đơn vị theo phương án phòng, chống thiên tai của đơn vị.

- Thường xuyên cập nhật vào zalo Ban Chỉ huy PCTT huyện để nắm thông tin về tình hình của bão nhằm kịp thời triển khai công tác ứng phó.

4.2. Đội quản lý điện Phước Sơn; Đài viễn thông Phước sơn: Tổ chức kiểm tra, có phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, trụ ăng ten, trụ điện...đảm bảo điện, thông tin liên lạc trên địa bàn.

4.3. Các đơn vị quản lý thủy điện:

- Vận hành, tích nước, xả lũ theo quy định; có giải pháp phù hợp để hạn chế ngập lụt tại một số vị trí hay bị ngập lụt khi thuỷ điện xả lũ (Tổ dân cư Blâu Thôn 2 Phước Hoà; đoạn cống Dũng Quế thôn 2 Phước Hiệp; khe Xà Làng đoạn nhà làng Thôn 2 Phước Hiệp...).

- Phối hợp với các địa phương nằm trong khu vực hạ du trong công tác thông tin tuyên truyền; kiểm tra, đánh giá và xử lý thiệt hại vùng hạ du mưa lũ gây ra (nếu có).

4.4. Đề nghị Ban quản lý dự án 4 (đại diện chủ đầu tư công trình nâng cấp Quốc lộ 14E): Chỉ đạo các nhà thầu thi công sẵn sàng phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ địa phương về công tác khắc phục sự cố và đảm bảo an toàn lưu thông cho người dân trên Quốc lộ 14E.

5. Trung tâm VHTT-TTTH huyện: Tăng cường công tác tuyên truyền, phát thanh các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, bão đến nhân dân để người dân biết chủ động ứng phó.

6. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện: Thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, các nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai theo các văn bản chỉ đạo của tỉnh; Công văn số 1016/UBND-KT ngày 12/9/2024 của UBND huyện; kịp thời báo cáo cho UBND huyện, BCH PCTT huyện các thông tin, tình huống về công tác PCTT để theo dõi chỉ đạo.

7. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT huyện, Ban Chỉ huy PCTT các đơn vị, địa phương: Tổ chức trực 24/24 giờ; thường xuyên theo dõi diễn biến Bão, mưa, lũ để tham mưu kịp thời cho UBND huyện chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục; tổng hợp tình hình báo cáo UBND huyện, tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Tin liên quan