Những người gieo chữ trên vùng cao yêu thương

Sau ngày thống nhất đất nước, Phước Sơn từng được xem là một địa phương miền núi đói nghèo, lạc hậu. Trong những năm tháng khó khăn đó, đội ngũ những thầy cô giáo từ khắp các địa phương đồng bằng đã không ngại khó khăn gian khổ, thậm chí hy sinh cả tuổi xuân để bám trụ với nghề, gieo từng con chữ trên khắp các bản làng miền núi xa xôi. Tiếp nối truyền thống và tinh thần “yêu nghề, thương trò” của các thế hệ thầy cô đi trước, những năm qua, ngành GD&ĐT huyện nhà đã luôn nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo “tận tâm tận tụy”, gắn bó với nghề để truyền thụ kiến thức cho nhiều thế hệ học sinh trên địa bàn Phước Sơn.

Xã Phước Lộc có địa hình hiểm trở và điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn 

Phước Lộc là một trong những xã có địa hình hiểm trở và điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nhất trên địa bàn huyện Phước Sơn. Trong bối cảnh đó, việc dạy và học nơi đây cũng trở nên khó khăn hơn so với các địa phương khác. Trong rất nhiều khó khăn khác nhau, thì việc duy trì học sinh đến lớp là một trong những vấn đề các thầy cô giáo ở đây lưu tâm nhất. Thầy giáo Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH và THCS Phước Lộc chia sẻ: “ Hôm nào thấy học sinh mình vắng mặt, thì sau một ngày đứng lớp, các thầy cô giáo phụ trách lớp phải tranh thủ buổi tối, tìm đến nhà học sinh để vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Đây gần như là việc làm thường xuyên của các thầy cô giáo Trường PTDT bán trú TH và THCS Phước Lộc”.