Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GDĐT nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc.
Trên tinh thần ấy, nhiều năm qua các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo. Quan trọng hơn, đổi mới sáng tạo trong dạy học đã trở thành nhu cầu tự thân, tự nguyện của các thầy, cô giáo.

Hình ảnh: Nhiều hình thức giáo dục được đưa vào trường học
Theo đó, ngành giáo dục Phước Sơn đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn và đã đạt được một số kết quả: Mạng lưới trường lớp ngành giáo dục của huyện được sắp xếp và quy hoạch hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường, góp phần nâng cao chất lượng; so với năm học 2017-2018 giảm 3 trường mẫu giáo; 4 trường tiểu học và tăng 01 trường TH và THCS; giảm 06 điểm trường chính và giảm 6 điểm trường lẻ do sắp xếp cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/7/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng được đầu tư, trang bị theo hướng chuẩn hóa đã tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Các cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn huyện đã tích cực xây dựng môi trường giáo dục xanh - sạch - đẹp, thân thiện, an toàn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phần lớn các trường đều có sân chơi, cây xanh tạo bóng mát; lớp học sạch sẽ, đủ sáng, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi; tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn toàn thực phẩm và an ninh trật tự trong nhà trường... nhằm tạo môi trường tốt nhất để học sinh phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, tạo tiền đề trong triển khai các giải pháp thi đua Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.

Hình ảnh: Tổ chức đa dạng các Hội thi
Với mục tiêu đổi mới hoạt động dạy và học, thi, kiểm tra, đánh giá, ngành đã tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện tốt nội dung, chương trình, kế hoạch dạy học, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Bằng tâm huyết, sự say mê với nghề, nhiều thầy cô đã tích cực hướng dẫn, tư vấn, định hướng để học trò thêm say mê với các hoạt động nghiên cứu khoa học - kỹ thuật do ngành, địa phương phát động... tạo nên không khí thi đua sôi nổi của thầy và trò ở khắp các bậc học trên toàn tỉnh.
Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm; công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi được chú trọng, huyện Phước Sơn hoàn thành công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2014 và tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập hằng năm.
Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1, trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 100%; tỉ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học và học sinh tốt nghiệp THCS hằng năm đạt trên 99%; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS được duy trì giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng; quan tâm triển khai thực hiện việc dạy tiếng Anh, Tin học cho tất cả học sinh từ lớp 3, để chuẩn bị thực hiện chương trình phổ thông mới 2018. Chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao.
Việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tích cực triển khai và chuẩn bị tốt các điều kiện; thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS có bước chuyển biến.
Chất lượng đội ngũ CBQLGV các cấp được nâng lên; công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Hình ảnh: Tổ chức nhiều Hội nghị về công tác chuyển đổi số
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy học ngày càng được đẩy mạnh. Cơ sở dữ liệu của các cấp học đã được thống kê; dữ liệu về đội ngũ nhà giáo, CBQLGD được đưa vào sử dụng có hiệu quả; công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đạt chỉ tiêu nghị quyết huyện Đảng bộ đề ra.
Tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục xanh - sạch - đẹp, thân thiện, an toàn, Bộ GD&ĐT đã tổ chức phát động “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Mục tiêu của kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử, không vi phạm các quy chế, quy định của ngành. Với việc xây dựng mô hình điểm “Trường học hạnh phúc- Thầy cô hạnh phúc- Học sinh hạnh phúc”, trong đó lấy tiêu chí trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo làm tiêu chí chính. Ngày 01/10/2020 Phòng Giáo dục huyện tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND xây dựng “Trường học hạnh phúc” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện.
