Bối cảnh ra đời châu Trà My
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhưng thực dân Pháp một lần nữa cướp nước ta. Để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Ngay khi lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến được phát đi, cùng với thủ đô Hà Nội và cả nước, quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng đã anh dũng chiến đấu ngoan cường, làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, kiềm chế không cho chúng đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ; đồng thời đề ra chủ trương đẩy mạnh kháng chiến ở vùng tạm chiếm; giữ vững an toàn vùng tự do và tập trung xây dựng miền núi thành vùng hậu cứ cách mạng vững chắc.
Thực hiện chủ trương trên, tháng 12/1946, Tỉnh ủy quyết định thành lập Phòng Quốc dân thiểu số vùng Trà My – Phước Sơn để tuyên truyền, vận động, đưa đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng và Mặt trận đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, chuẩn bị tốt các điều kiện để xây dựng miền núi thành vùng hậu cứ kháng chiến của tỉnh. Đầu năm 1947, phong trào kháng chiến ở vùng dân tộc thiểu số phát triển khá mạnh mẽ, việc xây dựng đội ngũ cốt cán người dân tộc thiểu số, xây dựng chính quyền xã, thôn... cơ bản đã hoàn thành. Để đáp ứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng, đòi hỏi phải có cấp chính quyền cao hơn ở vùng Trà My – Phước Sơn mới đủ sức lãnh đạo nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng miền núi thành vùng hậu cứ kháng chiến vững chắc của tỉnh. Từ thực tiễn trên, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến – Hành chính tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Đại hội thành lập châu Trà My (từ ngày 17 – 19/3/1947), Đại hội diễn ra tại một đồn cũ của lính Pháp (đồn Trà My). Về dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Lê Trọng Ba – Đại diện Phòng Quốc dân Thiểu số Khu 5; đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ – Đại diện Tỉnh ủy và UBKCHC tỉnh Quảng Nam... Đại hội đã tập trung thảo luận, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để xây dựng vùng Trà My – Phước Sơn thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng; lãnh đạo Nhân dân tham gia và ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất, ổn định đời sống, giảm bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới; xây dựng và củng cố khối đoàn kết các dân tộc, đoàn kết Kinh – Thượng... Đại hội bầu ra Ủy ban Kháng chiến – Hành chính châu Trà My gồm 6 Ủy viên, đồng chí Nguyễn Võ giữ chức Chủ tịch, đồng chí Phan Diêu (Phạm Diệu) – Phó Chủ tịch, đồng chí Ngô Tấn Khả - Ủy viên Thư ký, ông Đinh Xấu (Người Bhong – Phước Sơn) - Ủy viên Quân sự, ông Đinh Tựu (người Kor – Trà My) - Ủy viên Văn hóa – Xã hội và ông Nguyễn Tiệm - Ủy viên Kinh tài.
Sau khi bế mạc Đại hội, đêm 19/3/1947, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thay mặt Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị toàn thể đảng viên hoạt động ở vùng Trà My – Phước Sơn để công bố Nghị quyết của Tỉnh ủy về thành lập Ban Cán sự Đảng châu Trà My và chỉ định đồng chí Nguyễn Đáo làm Bí thư, đồng chí Phan Diêu (Phạm Diệu) – Phó Bí thư. Cùng thời gian này, Tỉnh ủy đã tập trung đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở vùng Trung Châu (vùng giáp ranh miền núi) và vùng Thượng Du (vùng dân tộc thiểu số). Đến tháng 12/1947, Chi bộ Huỳnh Ngọc Huệ ở xã Liên Giang được thành lập; ngày 16/01/1948, Chi bộ Hoàng Văn Thụ ở xã Vinh Quang tiếp tục ra đời; tháng 01 năm 1948, thành lập Chi bộ Hà Huy Tập ở xã Thăng Phước và cuối năm 1948, thành lập các chi bộ Đảng ở xã Trà Lương và Trà Sơn vùng Trà My.
Cùng với công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể cách mạng, tháng 4/1947, được sự giúp đỡ của Tiểu đoàn 202 Vệ Quốc quân Liên Khu 5, Ban Cán sự Đảng và Ủy ban Kháng chiến – Hành chính châu Trà My đã thành lập Đội Tự vệ châu Trà My lấy tên là “Bộ đội Giang – Rẫy” gồm 34 đội viên (Phước Sơn 13 đội viên, Trà My 20 đội viên), ông Đinh Xam (người Bhnong Phước Sơn) làm Đội trưởng. Ngay sau khi thành lập, “Bộ đội Giang – Rẫy” đã tổ chức khóa huấn luyện đầu tiên để học tập chính trị và luyện tập quân sự. Cùng với ông Đinh Xấu - Ủy viên Quân sự Châu, Tiểu đoàn 202 Vệ Quốc quân Liên Khu 5 cử đồng chí Tăng Bạt Hổ - Cán bộ chính trị và đồng chí Bạch Quang Kim – Cán bộ quân sự làm đặc phái viên giúp “Bộ đội Giang – Rẫy” đẩy mạnh các hoạt động quân sự trong suốt thời gian từ tháng 4/1947 – 10/1948.
Ý nghĩa lịch sử việc thành lập châu Trà My
- Sự ra đời châu Trà My đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh và đặc biệt là làm thất bại âm mưu chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp và tay sai, qua đó xây dựng khối đoàn kết các dân tộc thiểu số trong vùng và đoàn kết Kinh – Thượng vững chắc – vì mục tiêu đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và bọn phản động tay sai.
- Việc thành lập Ban cán sự Đảng, chính quyền và các đoàn thể cách mạng châu Trà My đã củng cố niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng Cộng sản và Bác Hồ kính yêu; động viên, cổ vũ đồng bào thi đua yêu nước, đẩy mạnh sản xuất, tăng gia, ổn định cuộc sống, giảm bỏ hủ tục lậc hậu, xây dựng đời sống mới, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số Trà My – Phước Sơn phát triển mạnh mẽ.
- Vai trò của châu Trà My đã góp phần quan trọng cùng toàn tỉnh củng cố vùng tự do từ Thăng Bình đến Quế Sơn, Tam Kỳ, Tiên Phước, gắn liền với Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên trở thành vùng tự do rộng lớn của Liên Khu 5, là hậu phương trực tiếp cung cấp sức người, sức của cho Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân ta./.
Nguyễn Tường Vân
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phước Sơn