Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng ta đã khẳng định: Tiếp tục củng cố và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Đây là chủ trương nhằm tiếp tục thực hiện tinh thần Nghị quyết BCHTW 5 (khoá VIII) của Đảng ta về “ Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ”. Phong trào này có sức lan toả nhanh; đã ăn sâu bám rễ trong đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân đón nhận một cách hào hứng, phấn khởi.
Nội dung của phong trào gồm nhiều vấn đề, nhiều mãng công việc cần phải tiến hành đồng bộ, trong đó cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá là một mắc xích quan trọng; đóng vai trò tiên khởi, quyết định cho sự thành bại của phong trào.
Không phải bây giờ, mà từ xa xưa tổ tiên chúng ta đã có ý niệm khá vững vàng rằng, gia đình là nền tảng của xã hội và quốc gia. Gia đình là tổ ấm đầu tiên của các quan hệ nhân tính, quan hệ giá trị; là sự hoà hợp giữa các dòng máu khác nhau; là sự cải tạo lại các lối sống khác nhau và được xem như một cơ chế nhằm ổn định xã hội. Nhân cách, tình cảm, lương tâm, danh dự, nghĩa vụ…của mỗi người đều khởi nguồn từ gia đình. Ai cũng lớn lên từ dòng sữa ngọt ngào và lời ru à ơi, thiết tha của mẹ. Ai cũng đón nhận sự mẫu mực, cứng rắn, nghiêm khắc từ người cha. Ai cũng có những mối quan hệ huyết thống trong dòng tộc; tình thương yêu giữa ông bà, cha mẹ, anh em.
Gia đình theo nghĩa chung nhất là tập hợp người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bởi tình cảm và trách nhiệm; ràng buộc nhau bởi đạo đức và luân lý. Gia đình là cộng đồng văn hoá vi mô của những người thân thuộc; là nơi giáo dưỡng nhân cách; là nơi chuyển giao văn hoá, sáng tạo văn hoá qua các thế hệ. Gia đình là lớp học đầu đời của mỗi người ngay từ thời thơ ấu; là nơi gửi gắm tất cả tâm trí, tình cảm sâu kín nhất; là nơi thoả mãn tốt nhất những nhu cầu tâm sinh lý của mỗi con người.
Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội; xã hội tốt thì gia đình càng tốt; gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt ”.
Rõ ràng vai trò của gia đình là rất quan trọng, không thể xem nhẹ. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta luôn quan tâm đến gia đình. Nhiều nghị quyết của Đảng đã đề cập đến tầm quan trọng của gia đình. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI xác định: “ Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới…”. Trong giai đoạn đất nước đang tiếp tục sự nghiệp đổi mới theo hướng hội nhập, vấn đề gia đình nói chung và xây dựng gia đình văn hoá càng trở nên cực kỳ quan trọng. Bởi vì phát triển xã hội phải là sự phát triển toàn diện, làm tăng tính chỉnh thể đời sống xã hội của con người hướng tới giá trị vĩnh hằng: Ích – Chân - Thiện - Mỹ. Nhiều gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá sẽ tạo ra môi trường văn hoá lành mạnh, làm cơ sở thúc đẩy cho sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.
Để gia đình trở thành một tế bào tốt của xã hội; trở thành nền tảng của quốc gia cần phải chú ý đến nền nếp giáo dục trong gia đình. Trong xã hội, một gia đình nền nếp luôn khác hẳn và nổi trội hơn đối với một gia đình bát nháo, vô tổ chức. Gia đình có nền nếp, gia giáo sẽ cung ứng cho xã hội và nước nhà những con người tốt, đắc lực và tài năng. Ngược lại, những người xuất thân từ một gia đình không nền nếp sẽ là những phần tử nguy hại cho cộng đồng dân sinh và xã hội. Gia đình là chiếc nôi của những người cần thiết cho xã hội, là trường học căn bản đầu tiên của con người...
Ngày xưa, người ta quan niệm “ tiên trị kỳ gia, hậu trị kỳ quốc ”. Quan niệm này cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Chính những người có một gia đình đầm ấm, có nền nếp, có tôn ti trật tự thì mới là người được nể trọng và tin tưởng có khả năng phục vụ đắc lực cho xã hội. Về mặt tâm lý, phải thấy rằng, những người có một cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc mới an tâm dồn hết khả năng và ý chí cho công việc đang làm.
Trong đời sống xã hội ngày nay chúng ta thấy biết bao những “tấm gương” không tốt lành đối với những người quyền cao chức trọng hay giàu có mà đằng sau họ, vợ con làm những điều xằng bậy. Thường thì những người đó lâm vào những thất bại trong công việc hay bị mang tiếng trong dư luận. Vật chất, giàu sang và địa vị trong nhiều trường hợp là những điều kiện không đem lại hạnh phúc đích thực, trái lại là những đòn bẫy hất tung những con người nông cạn hay thiếu ý thức về trách nhiệm giáo huấn gia đình, giáo dục con cái.
Chúng ta kính trọng, yêu mến những người tận tâm, tận lực cho công việc nhưng không quên trách nhiệm chăm sóc, giáo dục gia đình, vợ con, xây dựng một gia đình nền nếp. Nền giáo dục có khuôn phép của gia đình sẽ là pháo đài bảo vệ hạnh phúc và là bệ phóng để con cái sau nầy có thể vươn xa, hoà nhập và làm lợi ích cho xã hội.
Văn kiện Đại hội XI của Đảng ta nêu rõ: “…xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường trực tiếp, quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”.
Mô hình gia đình phù hợp với sự phát triển hiện nay là gia đình có nếp sống văn hoá hay gia đình văn hoá. Gia đình văn hoá là gia đình vừa hội tụ được những gia lễ tốt đẹp trong truyền thống và những yếu tố hợp lý, tiến bộ trong nền văn minh đương đại. Điều đó đã được cụ thể hoá bằng tiêu chuẩn danh hiệu “ Gia đình văn hoá ” với những nội dung:
- Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cự tham gia các phong trào của địa phương.
- Gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng.
- Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Tóm lại, để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ” đạt kết quả tốt và ngày càng phát triển sâu rộng, cần phải chú ý làm tốt cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá - nơi “phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”(*).
Hội nghị biểu dương gia đình văn hoá tiêu biểu, xuất sắc từ cơ sở đến toàn quốc được tổ chức thường xuyên đã thể hiện sự quan tâm, sự nhìn nhận rất thực tiễn của Đảng và Nhà nước. Chính ý nghĩa của hội nghị sẽ làm tăng giá trị tôn vinh các gia đình văn hoá tiêu biểu, xuất sắc; để rồi sức lan toả của những tấm gương sáng, những mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, gia đình vượt khó đi lên…ngày càng nhiều hơn, rộng hơn, sâu hơn; góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; góp phần “thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”(*).
Hoàng Chương
(*) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ 11 của Đảng.