Nội dung vụ án của phiên tòa giả định được xây dựng dựa theo những câu chuyện trong thực tiễn xét xử tại các địa phương miền núi, chủ yếu xoay quanh các loại tội phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng... Câu chuyện của phiên tòa giả định tại xã Phước Mỹ được tóm gọn như sau: Trong một lần đi săn, thanh niên người địa phương Hồ Văn Tăng phát hiện một khu vực rừng có thể làm rẫy. Đi tiếp một đoạn, Tăng gặp Hồ Văn Tèo, là người cùng thôn, Tăng rủ Tèo đến khu vực trên để phát đường ranh, phân chia khu vực của mỗi người. Hôm sau, Tăng thuê thêm 3 thanh niên cùng thôn đi phát rẫy và trả công cho họ. Nhận tin báo, tổ công tác gồm Công an, Viện Kiểm sát, Phòng TNMT, Phòng NN&PTNT huyện tiến hành kiểm tra, phát hiện khu rừng do Tăng tổ chức chạt phá bị thiệt hại 37.068 m2 rừng phòng hộ. Căn cứ hồ sơ vụ án và các chứng cứ thu thập được, Việt kiểm sát đã truy tố Tăng phạm tội “ hủy hoại rừng ” theo điểm b, khoảng 3, Điều 243 Bộ luật hình sự. Sau các phần xét hỏi, tranh luận tại tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên án, xử phạt Hồ Văn Tăng 7 năm tù.

Trong phiên tòa giả định, từ Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, đại diện Viện Kiểm sát, Thư ký, đến bị cáo, người bị hại, người làm chứng đều được các cán bộ Phòng tư pháp, công an, viện kiểm sát và trung tâm văn hóa thể thao huyện… đóng vai. Trong thời gian khoảng 60 phút, phiên tòa đã tái hiện quá trình xét xử vụ án nhằm cung cấp cho người xem về hành vi phạm tội và việc xét xử người phạm tội.
Khác với các hình thức tuyên truyền pháp luật khác, việc tổ chức tuyên truyền luật thông qua phiên tòa giả định đã thu hút người xem đông đảo, nhất là các thanh niên người địa phương.

Với cách thức truyên truyền luật thông qua việc tổ chức phiên tòa giả định không những giúp người xem thấy rõ những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật và mức án được áp dụng, mà còn hiểu rõ hơn các thủ tục xét xử tại tòa. Từ đó biết được ranh giới giữa cái đúng, cái sai và tính nghiêm minh của pháp luật.
Trọng Ý – Anh Tuấn